1. Asae và em gái bé nhỏ
Tranh: Akiko Hayashi
Một ngày kia, Asae được mẹ nhờ trông em gái đang ngủ. Tình huống bất ngờ xảy ra khi em gái thức giấc. Asae đeo giầy cho em và đưa em đi chơi. Nhưng vừa dắt em ra ngõ chơi, cô bé đã để lạc mất em. Asae hốt hoảng đi tìm em khắp chốn, cuối cùng cũng thấy em gái nhỏ chơi ở công viên. Hai chị em mừng rỡ ôm chầm lấy nhau.
Câu chuyện giản dị có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào. Thông qua đó giúp trẻ bước đầu dần dần hình thành trong trẻ ý thức về tình cảm anh chị em. Tình cảm của cô bé Asae, nỗi lo lắng của Asae khi đi tìm em sẽ truyền sang trẻ, khơi dậy sự đồng cảm trong trẻ, từ đó bồi đắp tình yêu thương của trẻ đối với anh chị em mình.
2. Em gái bị ốm
Lời: Yoriko TsutsuiTranh: Akiko Hayashi
Các bạn nhỏ sẽ được gặp lại cô bé Asae dễ mến vào một ngày nọ, khi em gái Aya bị ốm. Vốn thường ngày, Asae vẫn giữ búp bê Hoppeko để chơi với bạn và không cho em gái chơi cùng. Ấy vậy mà, khi em gái Aya ốm phải nằm viện, Asae không chỉ viết thư, gấp hạc giấy gửi cho em mà còn mang cả con búp be Hoppeko mà cô bé thích nhất vào dành tặng cho em gái.
Câu chuyện là bài học giản dị mà sâu sắc về sự nhường nhịn, yêu thương mà anh chị em dành cho nhau. Đây cũng là bài học dành cho các bậc cha mẹ trong cách cư xử với các con trong nhà: không thể ép buộc trẻ lớn phải nhường đồ chơi hay vật dụng thuộc về chúng cho em nhỏ nếu chưa được sự đồng ý của chúng. Tình yêu thương và sự nhường nhịn phải xuất phát từ sự tự nguyện mà những đứa trẻ dành cho nhau.
3. Cá voi ơi lớn nhanh lên nào!
Lời: Kanzawa Toshiko
Tranh: Abe Hiroshi
Câu chuyện của hai mẹ con cá voi từ lúc cá voi con được sinh ra cho
đến khi được mẹ dạy bơi. Và rồi, cá voi con ngày một cao lớn, ngày một bơi giỏi để cùng cả đàn cá voi bơi tới bờ biển Bắc. Câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng mang đến những hình ảnh sinh động, có thể khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ.
Trí não non nớt của trẻ tuy chưa hiểu được tường tận về việc mình đã được mẹ sinh ra, nuôi nấng như thế nào, mẹ đã đồng hành ra sao trên những bước đường trưởng thành đầu tiên của mình. Song, tình cảm ấm áp, sự dịu dàng và tình yêu thương đầy nhẫn nại mà mẹ cá voi dành cho cá voi con, tâm hồn các bé chắc chắn sẽ cảm nhận được. Đó là bài học đầu đời về tình yêu thương mà bé đón nhận tự nhiên bằng tâm hồn và trực cảm nhạy bén.
4. Món quà từ cửa sổ
Tác giả: Nagako Suzuki
Nana bị ốm và không thể ra ngoài chơi được. Nhưng từ khung cửa sổ, cô bé lại nhận được rất nhiều món quà thú vị, bất ngờ từ những người bạn của mình: một chú ếch, một vòng kết hoa, một chú bướm xinh đẹp mà cậu bạn Jun đang đuổi bắt để tặng Nana…
Đối với người lớn chúng ta, trẻ ốm đau vốn là một chuyện đáng lo lắng và nghiêm trọng. Song, dưới góc nhìn của trẻ nhỏ, đôi khi điều đó lại mở ra một thế giới thú vị với những người bạn tốt bụng, vui vẻ.
5. Bàn tay kỳ diệu của Sachi
Tác giả: Tabata Seiichi, Nobe Akiko & Shizawa Sayoko
"Bàn tay kỳ diệu của Sachi" là cuốn truyện cảm động về cô bé Sachi với một bàn tay bị dị tật nên cô bé trở nên tự ti vì sao mình không như các bạn khác, và hay bị các bạn khác chê cười, không được đóng vai mẹ mà chỉ suốt ngày đóng vai em bé trong trò chơi mẹ con ở lớp mẫu giáo....
Sachi đã rất giận các bạn cùng lớp khi các bạn từ chối em vào vai người mẹ lúc chơi đồ hàng, và cô bé đem thắc mắc ấy về hỏi mẹ. Mẹ đã nói, bàn tay phải của em mãi mãi chỉ có vậy, các ngón tay đẹp xinh sẽ không bao giờ mọc lên được nữa, cho dù hiện tại hay mai sau. Rồi cũng đến ngày mẹ sinh em bé, trên đường về nhà sau khi cùng bố vào viện thăm mẹ và em Sachi đã dũng cảm hỏi bố về việc đó.
Và thật bất ngờ, bố đã nói: “Không những làm được, mà Sachi có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời nữa. Một người mẹ không chịu thua bất cứ ai!”. Bố còn nói, bàn tay em là một bàn tay kì diệu, như có sức mạnh truyền sang bố khi hai bố con nắm tay nhau cùng đi. Hàng loạt những niềm vui đã đến, Sachi đã vui vẻ và trở lại trường với các bạn thân yêu.
Ngoài ra, còn rất nhiều truyện Ehon Nhật Bản khác về chủ đề các loài động vật, về ý thức tự giác, tự lập... cho trẻ hiện đã được Tủ sách Người Mẹ tốt phát hành.
Mua Ehon tại các nhà sách theo địa chỉ sau: http://quangvanbooks.com/dia-chi-phat-hanh.html