Lồng đèn mẫu đơn
Đứng vị trí thứ 3 trong “Tam đại quái đàm” là “Lồng đèn mẫu đơn”, một tác phẩm hoàn toàn hư cấu. Đây là vở Rakugo được soạn dựng vào năm 1884 bởi một sáng tác gia nổi danh đương thời là Encho Sanyutei, với cốt truyện dựa trên tiểu thuyết “Mẫu đơn đăng ký” thời nhà Minh Trung Quốc. Ngay từ thời Edo, “Mẫu đơn đăng ký” đã được một số tiểu thuyết gia dịch lại và đưa vào các tuyển tập truyện của mình, vì vậy mô típ truyện không còn xa lạ với người Nhật. Sau thành công vang dội của vở Rakugo, “Lồng đèn mẫu đơn” tiếp tục được dựng thành kịch Kabuki, kịch hiện đại và cả phim điện ảnh.
Nội dung tác phẩm xoay quanh chuyện tình đau thương mà cũng đầy lãng mạn của Otsuyu, con gái của một Samurai thuộc dòng Hatamoto với chàng trai trẻ Shinzaburo Hagiwara. Yêu nhau nhưng một thời gian không được gặp mặt, vì quá thương nhớ Shinzaburo mà Otsuyu đã ngả bệnh và qua đời. Chuyện xảy ra vào đêm 13 của kỳ lễ Obon. Khi Shinzaburo đang ở nhà cầu nguyện cho Otsuyu thì đột nhiên nghe thấy tiếng guốc Geta vang lên trước ngõ. Tiếng guốc đến trước nhà của chàng thì ngưng bặt, Shinzaburo cảm thấy lạ thường nên bước ra thì gặp lại Otsuyu. Từ đó trở đi, cùng với bà nhũ mẫu già đã chết của mình, đêm đêm Otsuyu lại xách chiếc lồng đèn hoa mẫu đơn trên tay để đến tìm Shinzaburo.
Bi kịch bắt đầu khi một đêm nọ, người hầu của Shinzaburo là Tomozo vô tình trông thấy chủ nhân của mình đang ôm ấp một bộ xương thông qua lỗ hổng trên vách. Anh ta liền đem báo chuyện này cho một nhà sư sống lân cận, nhà sư bèn đi tìm Shinzaburo, thuật lại những gì mình được kể cho Shinzaburo nghe và hứa rằng sẽ giúp chàng trai ngăn hồn ma của Otsuyu xâm nhập vào nhà. Những đêm sau đó, Otsuyu vẫn cùng người nhũ mẫu già tìm đến chỗ tình lang, thế nhưng nàng không thể bước vào do ngôi nhà đã bị bùa chú của nhà sư phong tỏa. Kể từ ngày bị chia cắt với người yêu, không chỉ mỗi mình Otsuyu đau khổ mà ngay cả sức khỏe của Shinzaburo cũng suy sụp.
Trước tình cảnh thương tâm ấy, nhũ mẫu của Otsuyu bèn đi tìm vợ chồng Tomozo, hứa sẽ trả cho họ 100 lượng vàng để nhờ gỡ hết bùa chú. Nhận được vàng, vợ chồng Tomozo mừng rỡ và lén nhà sư gỡ tất cả bùa chú ra khỏi nhà chủ. Nhờ vậy mà đêm ấy Otsuyu và Shinzaburo được đoàn tụ với nhau. Sáng hôm sau, vợ chồng Tomozo phát hiện ra Shinzaburo đã chết khi trong tay vẫn ôm lấy bộ xương người tình của mình. Gương mặt của chàng trai trẻ rạng ngời hạnh phúc.
Như vậy, phiên bản Rakugo và Kabuki thời Meiji đều có ít nhiều thay đổi về tình tiết so với những phiên bản thời Edo. Đặc biệt, nếu phiên bản thời Edo chủ yếu tập trung miêu tả cái chết bi thương của Otsuyu, thì phiên bản Rakugo và Kabuki lại là bản tình ca ca ngợi sức mạnh tình yêu đã vượt qua mọi rào cản luân lý và chiến thắng cả cái chết của Otsuyu và Shinzaburo, đồng thời nhấn mạnh biểu cảm hạnh phúc của Shinzaburo trong buổi sáng khi thân xác anh vẫn ôm chặt lấy bộ xương của người tình đã chết.
Inako/ kilala.vn